Lưới điện siêu nhỏ, lưới điện nhỏ và dữ liệu lớn: tương lai của điện lưới

Lưới điện siêu nhỏ, lưới điện nhỏ và dữ liệu lớn: tương lai của điện lưới

Bằng những lập luận dưới đây, tác giả Robert Hebner, Giám đốc Trung tâm Cơ điện tại Đại học Texas ở Austin cho chúng ta thấy phát điện phân tán và giao dịch tự động sẽ thay đổi cách chúng ta sản xuất và tiêu thụđiện năng trong những năm tới.

Phát triển công nghệ cũng giống như lái một chiếc xe đua: Bạn lái chiếc xe chạy nhanh nhất có thể, và nếu bạn tránh được va chạm, phần thưởng chờ đón bạn ở vạch đích. Đối với các kỹ sư, phần thưởng đôi khi là tiền, nhưng đôi khi là sự hài lòng khi thấy thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Nhờ có những kỹ sư như vậy, rất nhiều tiến bộ đã và đang xảy ra ở một lĩnh vực ít ai ngờ đến: ngành Điện. Các nền tảng công nghệ, kinh tế và quy định đồng bộ của lưới điện được hình thành khoảng một thế kỷ trước và đã trải qua những sự xáo trộn tối thiểu trong vài thập kỷ sau đó. Nhưng bây giờ ngành công nghiệp này đang đối mặt với sự thay đổi to lớn.

alt

Hầu hết các nhà quan sát chỉ mơ hồ nhận thức được tầm vóc của cuộc đại tu này, có lẽ vì nó khá khó để hình dung. Nó không đơn giản là một tập hợp các câu nói. Nhiều người đã nghĩ việc mua bán Điện như là một loại thuế – nhàm chán, tẻ nhạt và bằng cách nào đó, luôn luôn tốn nhiều tiền hơn.

Điều đang xảy ra trong ngành này bắt nguồn từ những cải tiến về công nghệ, các đòn đẩy về kinh tế và sự phát triển các chương trình an sinh xã hội. Khi những nền tảng cốt lõi của ngành điện thay đổi, dù kết quả như thế nào, bạn có thể sẽ phải trả nhiều tiền hơn.

Trong khoảng một thế kỷ, điện khí hóa có giá cả phải chăng dựa trên việc sản xuất điện với sản lượng lớn, với các nhà máy điện lớn tạo ra hàng trăm đến hàng nghìn megawatt điện, cung cấp đến người dùng thông qua mạng lưới truyền tải và phân phối. Ngày nay, nhiều công nghệ mới đang làm phức tạp hóa mô hình đơn giản đó.

Đứng đầu danh sách là khí tự nhiên và năng lượng mặt trời. Máy phát điện dựa trên các nguồn năng lượng này có thể được xây dựng gần hơn với khách hàng. Vì vậy, chúng ta đang trong giai đoạn đầu triển khai công nghệ phát điện phân tán – công nghệ giúp làm sự phụ thuộc vào mạng lưới truyền tải đường dài tốn kém. Nhờ đó, những nguồn năng lượng mới này có giá cạnh tranh với các nhà máy điện truyền thống khổng lồ.

Phát điện phân tán: cách ít tốn kém nhất

“Phát điện phân tán” từ lâu đã khả thi về mặt kỹ thuật. Điểm mới bây giờ là chúng ta đang ở gần thời điểm chín muồi, không những thế, đối với nhiều ứng dụng, việc phát điện phân tán sẽ là cách ít tốn kém nhất để cung cấp điện.

Chi phí thấp của điện khí đốt và năng lượng tái tạo không phải là tác động duy nhất thúc đẩy sự thay đổi này. Để cạnh tranh, toàn bộ hệ thống phân phối sẽ phải hoạt động như một thể thống nhất. Việc đó được thực hiện bằng cách kết hợp một số tiến bộ công nghệ như: hệ thống điều khiển tiên tiến, biến tần thông minh, thiết bị đo thông minh, Internet vạn vật và dữ liệu lớn.

Trong bối cảnh này, ở hầu hết các nước phát triển, bức tranh về mạng lưới điện trong tương lai 10 đến 20 năm tới đang dần hình thành. Khâu sản xuất điện sẽ mang tính phân tán nhiều hơn, trong đó năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và điện gió sẽ tăng trưởng mạnh. Những khía cạnh khác cũng đang dần dịch chuyển. Chẳng hạn, hệ thống phân phối, thứ giúp kết nối căn nhà của bạn với lưới điện, sẽ trở thành kiểu như một hệ thống giao dịch chứ không đơn thuần chỉ truyền tải điện năng từ nơi này đến nơi khác.

Việc tiến tới lưới điện tinh vi này sẽ không dễ dàng. Dù vậy, nó đang diễn ra. Ông Robert Hebner, Giám đốc Trung tâm Cơ điện tại Đại học Texas ở Austin, tác giả bài viết đã nhận định như vậy dựa trên kinh nghiệm hàng thập kỷ làm việc như một nhân viên chính phủ chịu trách nhiệm giúp điện lưới tiếp cận các công nghệ mới.

alt

Hình 1: Sự tăng trưởng nhanh chóng của điện gió và điện mặt trời. Cả hai đại diện cho khoảng 10% công suất lắp đặt của thế giới nhưng chỉ đóng góp khoảng 4% sản lượng.

Điều đầu tiên cần hiểu sản xuất điện phân tán sẽ không đơn giản và không phổ biến. Tại một số nơi, sản xuất điện phân tán sẽ chiếm ưu thế, ở đó, khách hàng tự sản xuất ra điện để cung cấp cho phần lớn nhu cầu điện năng của họ, thường là từ pin mặt trời hoặc tuabin gió công suất nhỏ. Tại những vùng có nguồn ánh sáng mặt trời và gió kém dồi dào hơn, khí tự nhiên có thể sẽ chiếm ưu thế. Kết hợp tất cả những thứ đó, phiên bản cải tiến liên tục của lưới điện truyền thống sẽ tồn tại trong nhiều thập kỷ tới.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), trong 11 tháng đầu năm 2016, khoảng 48,82 triệu MWh năng lượng mặt trời phân tán đã được sản xuất trên toàn nước Mỹ, tăng 46% so với năm trước đó. Tuy nhiên, đó vẫn là một tỷ lệ nhỏ. Trong năm 2016, điện mặt trời chiếm khoảng 1,4% tổng sản lượng điện năng tại Hoa Kỳ, theo EIA. Nhưng điện mặt trời đang phát triển nhanh chóng nhờ có các điều kiện kinh tế ngày càng thuận lợi. Ví dụ, trong phiên đấu giá năng lượng gần đây nhất của Chile, 120 MW điện mặt trời là lựa chọn có chi phí thấp nhất, ở mức 29,10 USD/MWh.

Nhiều nhà phân tích hy vọng rằng điện mặt trời phân tán có kết nối đồng bộ lưới điện quốc gia sẽ hoàn toàn có thể cạnh tranh với các dạng điện năng khác vào cuối thập kỷ này. Trong khi đó, một loạt các ưu đãi của chính phủ, thay đổi từ khu vực này sang khu vực khác (ngay cả trong một quốc gia) đang giúp công nghệ này “cất cánh”.

Cuối cùng, dạng điện năng nào có chi phí thấp nhất sẽ thống trị. Nhưng để tìm ra lựa chọn có chi phí thấp nhất thực sự sẽ là điều khó khăn vì nó còn phụ thuộc vào cả điều kiện và chính sách của từng địa phương.

Ví dụ, các nhà quản lý ngày càng bị thuyết phục rằng việc đốt các nhiên liệu hóa thạch dẫn đến các chi phí xã hội đáng kể liên quan đến khí nhà kính, biến đổi khí hậu, xử lý chất thải độc hại, và con người sống gần nhà máy điện. Trong quá khứ, những chi phí này rất khó để định lượng vì tác hại thường không ảnh hưởng tới các bên cung cấp hay tiêu thụ điện, mà tới các nạn nhân, chẳng hạn, nông dân có vụ mùa bị hư hại.

Người dân ngày càng hiểu được cái giá thực sự của ô nhiễm và khả năng ảnh hưởng của nó tới các nhà máy điện cũng như người dùng. May mắn thay, bây giờ chúng ta có khả năng mô hình hóa và tính toán để bắt đầu đặt giới hạn thấp hơn lên các chi phí đó, nhờ đó, cho phép chúng ta phân bổ lại chúng.

Mặc dù các chiến lược tốt nhất để phân bổ lại các chi phí đó vẫn đang được tranh luận, sản xuất điện phân tán dựa trên năng lượng tái tạo có những lợi ích rất rõ ràng và khả thi. Dữ liệu được thu thập trong Dự án Pecan Street, do Bộ Năng lượng Hoa Kỳ tài trợ cho thấy một ngôi nhà ở Austin, Texas, được trang bị các tấm năng lượng mặt trời thường tạo ra 4 hoặc 5 kW trong thời gian giữa trưa của một ngày nắng mùa hè, cao hơn mức điện năng của ngôi nhà thường sử dụng trong cùng khoảng thời gian đó.

alt

Hình 2: Một ngôi nhà thông minh điển hình có hệ thống quản lý năng lượng dựa trên thời gian trong ngày và các yếu tố khác để giảm thiểu chi phí điện. Trong lưới điện nhỏ tương lai, các hệ thống quản lý năng lượng của nhiều gia đình sẽ giao tiếp với nhau để tối đa hóa hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm chi phí và cân bằng phụ tải.

Việc pin mặt trời lắp trên mái nhà có ý nghĩa như thế nào còn tùy thuộc vào phi phí lắp đặt, bảo trì, trợ giá của nhà nước, giá điện quốc gia và giá bán phần điện năng dư thừa trở lại lưới.

Sáng kiến SunShot của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ là hướng đến mục tiêu làm cho giá điện mặt trời trở nên cạnh tranh hơn dù không có trợ cấp vào năm 2030. (Một cơ quan chính phủ Trung Quốc cũng có một chương trình tương tự). Cụ thể, mục tiêu của SunShot là giảm giá điện mặt trời xuống còn 5 cent (khoảng 1.200 VNĐ) Mỹ mỗi kWh vào năm 2030 (giá hiện nay khoảng 18 cent – khoảng 4.200 VNĐ). Ngày nay, hệ thống pin mặt trời trên mái nhà công suất 6 kW ở Mỹ thường có giá từ 15.000 đến 20.000 USD. Con số chính xác phụ thuộc vào từng nơi. Theo dữ liệu từ EIA, giá bán lẻ điện trung bình của lưới điện phân phối tại Hoa Kỳ là 12,5 cent/kWh (khoảng 3.000 VNĐ một “số” điện. Vì vậy, ở mức 18 cent, điện mặt trời vẫn chưa cạnh tranh được với điện từ lưới quốc gia. Nhưng nhiều chính phủ, chẳng hạn chính phủ một số tiểu bang của Hoa Kỳ đã trợ giá cho hệ thống điện mặt trời để giúp nó có giá giá cạnh tranh hơn.

Trong khi đó, nhiều tiện ích hiện đang được thử nghiệm tại Hoa Kỳ. Một trong số đó là hệ thống “pin mặt trời công cộng”. Ở đó, các khách hàng đơn lẻ mua một vài tấm pin trong một hệ thống năng lượng mặt trời lớn. Sau đó, hàng tháng họ nhận được lợi nhuận cho phần năng lượng sản xuất ra mà không cần lắp đặt pin trên mái nhà của họ. Một dự án khác đang vận hành bởi công ty CPS Energy ở San Antonio thuê mái nhà để đặt các tấm pin mặt trời của họ và chỉ phải trả cho chủ nhà chi phí thuê.

Một thách thức với sản xuất điện mặt trời phân tán là vấn đề lưu trữ. Thông thường, các chủ sở hữu pin mặt trời sử dụng lưới điện như một hệ thống lưu trữ: họ bán phần điện năng dư thừa lên lưới khi có thể và mua lại từ lưới để bù đắp cho phần thiếu hụt. Đây thường là cách đơn giản và rẻ nhất. Tuy nhiên, với nhiều người – trong đó đáng chú ý nhất là Elon Musk đã đặt cược cho pin. Công ty xe điện của Musk, Tesla, bán pin để sử dụng tại nhà có tên Powerwall 2, có giá 5.500 USD cho 14 kWh dung lượng lưu trữ, đủ để chạy một căn nhà thông thường qua đêm. Tuy nhiên, việc thêm chi phí cho pin vào chi phí ban đầu của hệ thống năng lượng mặt trời để dừng hoàn toàn việc sử dụng điện từ lưới khiến cho giá điện cao hơn đáng kể so với mua điện thông thường từ lưới điện.

Việc so sánh các tùy chọn để mở rộng việc sử dụng điện mặt trời không đơn giản, bởi nó phụ thuộc nhiều vào cách lưới điện phát triển. Chẳng hạn, ở thời điểm hiện tại, lưới điện hoàn toàn 100% sử dụng năng lượng mặt trời (ngay cả ở những khu vực có điều kiện thuận lợi, như vùng Tây Nam Hoa Kỳ hay sa mạc Bắc Phi). Lưới điện hiện nay được thiết kế cho các nguồn cung cấp năng lượng tương đối ổn định. Nhưng Bộ Năng lượng (DOE) Hoa Kỳ, với chương trình ENERGIZE của mình, đang theo đuổi các công nghệ điều khiển, bảo vệ và các công nghệ cần thiết khác cho phép vận hành lưới 100% điện mặt trời vào năm 2030.

Lưới điện nhỏ (micro-grid)

Lưới điện cũng sẽ phát triển theo những cách khác một cách nhanh chóng. Một trong những xu hướng quan trọng nhất là việc sử dụng ngày càng rộng rãi các lưới điện nhỏ. Lưới điện nhỏ là một nhóm các nguồn điện và phụ tải được kết nối với nhau. Nó có thể có quy mô nhỏ như hệ thống điện trong một ngôi nhà (thường được gọi là lưới điện siêu nhỏ (nano-grid)) hoặc lớn như hệ cung cấp điện của một cơ sở quân sự hay một khuôn viên trường đại học. Lưới điện nhỏ có thể tự vận hành và có thể nhanh chóng cách ly nó ra khỏi lưới lớn hơn nếu có sự cố ở lưới đó.

Đây là một tính năng quan trọng trong ứng phó với cả thiên tai tự nhiên và nhân tạo. Ví dụ, khi cơn bão Ike đổ bộ vào khu vực Houston-Galveston của Texas vào năm 2008 đã gây ra mất điện diện rộng, nhưng 95% các vụ mất điện đã gây ra bởi thiệt hại do bão trong khỉ chỉ có dưới 5% số vụ là do nguyên nhân từ lưới điện. Việc phân phối lưới điện hiệu quả đã giảm thiệt hại cho thiết bị.

alt

Hình trên mô tả một lưới điện nhỏ kết nối nhiều ngôi nhà có nguồn điện và hệ thống lưu trữ độc lập. Các ngôi nhà giao tiếp không dây với nhau và kết nối với lưới điện chính qua một máy biến áp phân phối. Trong trường hợp sự cố, hệ thống có thể tự bảo vệ bằng cách ngắt kết nối khỏi lưới chính tại máy biến áp đó.

Khả năng cô lập của lưới điện nhỏ này cũng hứa hẹn tăng cường an ninh mạng. Đó là bởi vì lưới điện chỉ có thể cục bộ hóa các cuộc tấn công mạng, làm cho nó trở thành một mục tiêu ít hấp dẫn hơn đối với tin tặc.

Khi thảm họa xảy ra, bất kể bởi nguyên nhân gì, lưới điện nhỏ có thể giúp hạn chế hậu quả. Nếu không có hư hại về vật tư thiết bị, lưới vẫn có thể hoạt động miễn là nó còn có thể kết nối đến các nguồn năng lượng bất kể đó là khí tự nhiên, mặt trời hay gió.

Về lâu về dài, tùy thuộc nhiều vào công nghệ, kinh tế và chính sách, lưới điện có thể sẽ phát triển thành một loạt các lưới điện nhỏ liền kề. Các “cụm” lưới điện nhỏ như vậy phù hợp với những nơi như Chicago, Pittsburgh và Đài Loan – những nơi có lưới điện dễ bị tổn thương do bão. Những lưới điện nhỏ liền kề này sẽ chia sẻ năng lượng với nhau và với lưới điện truyền thống để giảm thiểu chi phí năng lượng và tối đa hóa tính khả dụng.

Trong kỷ nguyên của lưới điện nhỏ liền kề được tư nhân điều hành, một công ty điện lực sẽ trở thành dạng công ty như thế nào? Có ít nhất hai khả năng. Nó có thể chỉ đơn giản bán điện cho các lưới điện nhỏ thiếu điện, thay vì bán cho các khách hàng cá nhân. Hoặc nó có thể quản lý các lưới điện nhỏ cũng như các kết nối giữa chúng với nhau và với lưới điện truyền thống. Tại Mỹ, mô hình về một công ty điện lực như vậy đã được hình thành ở một số nơi cần tính cạnh tranh cao hơn. Lưới điện nhỏ sẽ giúp đẩy nhanh xu hướng đó.

IoT và dữ liệu lớn ảnh hướng đến phát điện phân tán

Việc phổ biến mô hình cấp điện phân tán và lưới điện nhỏ cũng sẽ được định hình bởi hai yếu tố khác: sự bùng nổ của Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn.

Internet vạn vật là một tiền đề cho cấp phát điện phân tán bởi nó thúc đẩy các ngành công nghiệp như: cảm biến, vi điều khiển, phần mềm, lưới điện số và lưới điện nhỏ, và các thiết bị khác. Nhưng làm thế nào để sử dụng những thiết bị công nghệ đó? Hãy tưởng tượng một hệ thống điện mặt trời cho khu dân cư trong tương lai gần. Nó sẽ có “các thiết bị của khách hàng” – các tấm pin mặt trời, một biến tần thông minh, một bộ pin lưu trữ và các hệ thống để quản lý tải động. Theo thời gian, sản lượng điện của hệ thống như vậy sẽ thấp hơn bình thường bởi vì lý do trời âm u nhiều mây chẳng hạn.

Nhưng ta có thể dễ dàng thiết kế một hệ thống điều khiển, dựa trên các thành phần IoT sẵn có, có thể giao tiếp với các hệ thống tương tự trong các ngôi nhà xung quanh. Các hệ thống này sẽ làm việc cùng nhau, như để bật hoặc tắt điều hòa không khí trước hoặc sau thời gian đã cài đặt, hoặc điều chỉnh máy sưởi một nửa độ, để phù hợp với thời gian gián đoạn cấp điện. Thực tế là hầu hết các ngôi nhà hiện đại đều được cách nhiệt tốt, vì vậy phải mất thời gian trước khi nhiệt độ trong nhà thay đổi đủ để kích hoạt hệ thống HVAC. Lý do các ngôi nhà được nhóm lại với nhau trong mô hình này là bởi nó giúp cho việc vận hành dễ dàng hơn: trong một nhóm, một số gia đình có thể hy sinh một số tiện nghi nhưng nhu cầu năng lượng của nhóm này sẽ dễ dự đoán và quản lý hơn từ phía lưới điện.

Hầu hết người tiêu dùng không muốn đưa ra quyết định thường xuyên và chi tiết về việc sử dụng năng lượng. Hãy tưởng tượng một thiết bị – gọi là bộ điều chỉnh nhiệt độ – cho phép bạn thiết lập một phạm vi nhiệt độ thoải mái, thay vì nhập một nhiệt độ duy nhất. Bạn càng đặt phạm vi rộng, bạn càng trả ít tiền hơn. Nhà điều hành lưới sẽ tận dụng phạm vi điều chỉnh của bạn và của người khác để khớp với cung và cầu theo từng phút. Vào một buổi chiều nóng, với nhu cầu sử dụng điện đạt đỉnh, nhiệt độ trong nhà của bạn sẽ ở đỉnh của phạm vi.

alt

Hình 3: Một trạm biến áp phân phối kết nối lưới điện nhỏ với lưới phân phối và đến lưới điện chính, thông qua một tập hợp các máy biến áp và máy cắt.

Big Data

Các hệ thống điện lực cũng sẽ bắt đầu sử dụng dữ liệu lớn nhiều hơn và hiệu quả hơn. Ngay từ thời kỳ đầu, khi Thomas Edison mở trạm điện Pearl Street ở thành phố New York năm 1882, ông đã dùng một chiếc đèn báo hiệu để chỉ thị khi nào thì tải tăng hay giảm đến mức cần phải điều chỉnh máy phát điện một chiều. Nhưng hệ thống đó rõ ràng không thể mở rộng được. Nếu phải điều chỉnh các máy phát điện bất cứ khi nào có khách hàng sử dụng điện, ngành công nghiệp này đã không tồn tại được.

Một số lượng lớn tải làm cho tổng cầu có thể dự đoán được – và có thể quản lý được. Điều kiện lý tưởng này rõ ràng phụ thuộc vào việc có ít tương quan về cách sử dụng điện cho sinh hoạt và cho sản xuất. Nhưng giả sử vào lúc 3 giờ chiều một ngày hè oi bức, mọi người trong một thành phố cỡ trung bình tắt máy điều hòa không khí ở cùng một lúc, chờ 15 phút và sau đó lại bật lại tất cả cùng một lúc. Điều đó gần như chắc chắn sẽ gây ra mất điện diện rộng.

Với các công cụ dữ liệu lớn, có thể không nhất thiết phải phụ thuộc vào hành động của người tiêu dùng mà chỉ gần tương tự như vậy. Việc cần làm là điều chỉnh cung và cầu về điện để nâng cao đáp ứng của hệ thống. Ví dụ, trở lại ví dụ về máy điều chỉnh nhiệt độ nêu trên, người vận hành hệ thống không chỉ có các bộ điều khiển thích hợp mà còn có thể truy cập dữ liệu thời gian thực để xác định nguy cơ xảy ra sự cố trên hệ thống điện khi thực hiện các hành động quản lý tải.

Ở nhiều nơi, các công ty điện lực đã theo xu hướng đo bằng cách sử dụng nhiều chương trình ưu đãi khách hàng để được phép định giá điện theo thời gian trong ngày hoặc một số hình thức quản lý phụ tải chủ động từ phía lưới. Nhưng bây giờ chúng ta mới chỉ thực hiện những bước nhỏ. Các công cụ dữ liệu lớn sẽ sớm cho phép chúng ta thực hiện những bước tiến lớn hơn. Dữ liệu lớn có thể cho phép sử dụng các thông số vận hành theo thời gian thực để tối ưu hóa hoạt động của những phụ tải lớn trên lưới và dự đoán xu hướng trong tương lai.

Những thách thức

Mặc dù mục tiêu chính của tác giảlà mô tả một tầm nhìn đầy hứa hẹn trong ngành kinh doanh điện nhưng cũng cần đã chỉ ra một số thách thức, chẳng hạn như: tài chính, chính sách và công nghệ ở nhiều hình thức và quy mô.

Một trong những yếu tố cơ bản nhất là tốc độ tăng trưởng chậm. Để chi trả cho việc nâng cấp tốn kém, các hệ thống điện trong quá khứ sẽ phải trông cậy chủ yếu vào sự tăng trưởng về nhu cầu điện năng và doanh số bán điện. Nhưng những cải tiến về hiệu suất mà người tiêu dùng mong mỏi đã làm chậm sự tăng trưởng về nhu cầu điện năng đến mức hiện nó đang tăng ở mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Những số liệu là rất rõ ràng: trong năm 2014, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ dự đoán rằng trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2040, nhu cầu về điện sẽ chỉ tăng 0,9% mỗi năm. Vì vậy, các công ty điện lực không thể trông chờ vào tăng trưởng để chi trả cho các nâng cấp thiết yếu trên hệ thống như đã làm trong quá khứ.

Những thay đổi khác trong ngành sẽ chỉ làm nghiêm trọng thêm các vấn đề tài chính. Chẳng hạn, trong quá khứ, các công ty điện lực có thể trông cậy vào các bộ phận của lưới điện có thời gian khấu hao dài. Nhưng lưới điện thông minh phụ thuộc vào các linh kiện điện tử, chẳng hạn như công tơ điện thông minh điều khiển bởi phần mềm, có tuổi thọ ngắn hơn và yêu cầu nâng cấp thường xuyên hơn nhiều.

Điều khó đoán nhất là sự điều chỉnh chính sách có thể nhanh đến mức nào. Nếu nó không thể bắt kịp công nghệ một cách nhanh chóng thì chắc rằng quá trình điều chỉnh sẽ diễn ra vô cùng chậm chạp. Và điều gì sẽ xảy ra nếu các chính phủ cố gắng cứu vớt các công nghệ lỗi thời với những chương trình trợ cấp? Điều đó càng làm chậm quá trình hơn nữa.

Lịch sử cho thấy, các chính sách đã bị ảnh hưởng chủ yếu bởi việc cân nhắc về mặt pháp lý và kinh tế hơn là về kỹ thuật. Nhưng hiện nay, với tốc độ phát triển công nghệ vượt trội và các yếu tố khác, các nhà quản lý ở Hoa Kỳ và châu Âu đang thể hiện quan điểm theo nhiều cách khác nhau. “Quan điểm của tôi là nhân viên của các cơ quan quản lý sẽ cần phải hiểu biết kỹ hơn nếu chúng ta hướng đến việc cung cấp điện năng với chi phí thấp nhất và độ tin cậy cao nhất”. Ông Robert Hebner cho biết.

Học viện Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ gần đây đã chọn điện khí hóa là thành tựu kỹ thuật hàng đầu của thế kỷ 20. Nhưng điện khí hóa bây giờ cần phải được tái cấu trúc để đáp ứng nhu cầu và cơ hội của thế kỷ 21. Đây là cơ hội của chúng ta để cho thấy rằng chúng ta cũng làm tốt như những người tiền nhiệm trong hai, ba, hoặc bốn thế hệ trước đây về công nghệ, quy định, chính sách công, tài chính và quản lý nói chung. Và hãy để lại cho hậu thế một di sản tốt đẹp và lâu dài như di sản mà những người tiền bối đã để lại cho chúng ta.

 

Gọi điện thoại