Nghiên cứu, phát triển, hoàn thiện sản phẩm trong khoảng 6 tháng, thành quả đạt được của 9 thành viên thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho thấy sản phẩm “Made in Việt Nam” đang ngày càng tiên tiến hơn và dần đi vào cuộc sống.
Dự án “Brick One – Mô hình đào tạo cơ điện tử dành cho học sinh phổ thông”, được cấu tạo là một bộ sản phẩm dạy học STEM, dạy về khoa học kỹ thuật bằng những bộ hình dưới dạng lắp ghép kèm theo sách hướng dẫn giúp cho các bạn học sinh có thể tư duy, tìm tòi sáng tạo lắp từng mảnh ghép với nhau.
Nhóm sinh viên trưng bày mô hình Brick One tại VCCA 2019
Đây được coi như một bộ mô hình dạy học ngoại khóa, không chỉ dành cho lứa tuổi cấp 2, cấp 3 mà còn dành cho sinh viên các trường đại học, trường cao đẳng nghề, các trung tâm dạy STEM. “Bộ mô hình giúp các bạn có thể hiểu thêm về những cơ cấu của thiết bị được ứng dụng đời sống, ví dụ: máy in như thế nào, quạt tại sao lại quay,… và còn giảng dạy về khoa học kỹ thuật, cơ điện tử, chuyển động cơ khí, lập trình, dạy về nghệ thuật như soạn nhạc trên phần mềm bằng ứng dụng riêng,…”, Lương Đức Thành – trưởng nhóm, sinh viên K59 khoa kỹ thuật cơ khí, Bộ môn Công nghệ chế tạo máy, trường ĐHBKHN cho biết.
Một bộ sản phẩm đầy đủ để tạo dựng nên mô hình gồm các thiết bị như: Bộ vi xử lí, động cơ, cảm biến, dây kết nối, cáp sạc, ứng dụng trên điện thoại để kết nối điều khiển từ xa blutooth, ứng dụng lập trình trên máy tính và trên điện thoại. Theo đó, để tạo ra bộ sản phẩm này bao gồm các kết cấu cơ khí, thiết kế 3D, lập trình code, lập trình về điện, hàn, đấu, nối,… Cũng chính vì vậy, 9 thành viên của nhóm cũng đến từ các bộ môn khác nhau của trường như Công nghệ thông tin, Cơ khí, Cơ điện tử, Tự động hóa,…
Ý tưởng chế tạo nên bộ sản phẩm này xuất phát từ cách nhìn nhận của nhóm sinh viên về mô hình dạy học STEM đang được nhân rộng trong các hệ thống giáo dục tại Việt Nam. Họ nhận thấy, bản thân Việt Nam vẫn còn hạn chế về khoa học công nghệ, nhất là từ những mô hình, phương pháp, giáo án vẫn chưa được phổ biến rộng rãi nên hầu hết các sản phẩm hiện nay đang được ứng dụng theo mô hình STEM đều được nhập ngoại. Hơn nữa, giá thành khi nhập ngoại sẽ cao và hầu hết mô hình chỉ đến được với những trường ở trung tâm thành phố lớn chứ không được phổ biến rộng rãi trên khắp cả nước.
“Vì vậy, từ những kiến thức đã học được tại Bách khoa, nhóm mình muốn đưa sản phẩm này đến với nhiều trường hơn nữa để các bạn được làm quen và tiếp cận sớm với khoa học công nghệ”, Lương Đức Thành chia sẻ.
Chính vì vậy, sau khi hoàn thiện, nhóm sinh viên đã mang sản phẩm giới thiệu đến triển lãm hay các cuộc thi về khoa học công nghệ. Gần đây nhất, nhóm giới thiệu sản phẩm tại VCCA – Triển lãm quốc tế lần thứ 5 về điều khiển và Tự động hóa và đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp cũng như các trường đại học, cao đẳng đến tham quan triển lãm. Tiếp đó, tại cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc 2019” dự án Brick One của nhóm sinh viên đã giành giải Nhất.
Từ đó, sản phẩm đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều đơn vị đặt hàng, đơn cử như trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội đã mua bộ sản phẩm để dạy cho học sinh cấp 3 gần trường.
Trong năm tới, nhóm sinh viên sẽ đưa bộ sản phẩm đào tạo này vào các trường tư thục và khi hiệu ứng của sản phẩm ảnh hưởng đến xã hội tốt thì có thể nhân rộng vào các trường công lập. Theo đó, nhóm sẽ xây dựng phần mềm học trực tuyến để hỗ trợ cho người mua bộ sản phẩm có thể sử dụng và tiếp cận nhanh hơn.
Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, bộ sản phẩm sẽ giúp cho học sinh được tiếp cận sớm với khoa học công nghệ, được làm quen với tất cả các bộ cảm biến thông dụng. Thầy Vũ Toàn Thắng (người hỗ trợ nhóm sinh viên) – Phó Viện trưởng phụ trách Khoa học và Công nghệ của Viện Cơ khí, ĐHBKHN cho biết: Học sinh có thể ứng dụng sản phẩm này để lập trình, ví dụ: Có thể làm một cái báo thức cho các em dậy buổi sáng; ứng dụng cảnh báo cho trẻ em khi đến gần một cái gì đó nguy hiểm,… Từ đó, giúp các em vận dụng được tư duy sáng tạo để phát triển tư duy ngay từ khi còn là học sinh đến khi theo đuổi đại học.
Thầy Thắng cho biết thêm: Một điểm khác biệt nữa của Brick One so với các sản phẩm nước ngoài là khi cung cấp bộ sản phẩm đến các trường học, nếu các trường không có người hướng dẫn, đào tạo trên lĩnh vực đó thì nhóm sinh viên sẽ có người đến để đào tạo, hỗ trợ, giúp đỡ tốt nhất cho đơn vị và chắc chắn giá thành sẽ rẻ hơn so với sản phẩm nhập ngoại.
Hướng nghiên cứu xa hơn của nhóm sinh viên là mở rộng nhiều hơn nữa các lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, nhà thông minh, trường học thông minh, thành phố thông minh,… và phát triển các mảng cho sinh viên đại học như IoT, trí tuệ nhân tạo,…
Thời điểm hiện tại, nhóm sinh viên mong muốn phát triển thương hiệu Brick One lớn mạnh hơn nữa để nhiều người biết đến và chứng minh được thực lực của mình. Từ việc tham gia triển lãm hay những cuộc thi về khoa học công nghệ để có được sự uy tín và thương hiệu nhất định nhằm đưa bộ sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Sau khi phát triển rộng rãi mô hình trong nước, nhóm sẽ đưa sản phẩm tới các nước lân cận còn yếu trong lĩnh vực STEM. Tương lai tới, nhóm sẽ nỗ lực để trở thành công ty về phát triển công nghệ giáo dục hay đồ chơi thông minh hàng đầu tại Việt Nam.
TĐHNN số tháng 11/2019