Nâng cao ý thức bảo vệ môi trương cho sinh viên ngành kỹ thuật máy lạnh & điều hòa không khí
I. Vấn đề môi trường hiện nay
Con người hiện đang phải đối mặt với những ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu mà một trong những nguyên nhân gây ra chúng là tác nhân lạnh. Không chỉ ảnh hưởng đến tầng ozone, tác nhân lạnh còn góp phần gây ra sự ấm dần lên toàn cầu – là nguyên nhân chính dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ của khí hậu trong thời gian gần đây. Hầu hết các tác nhân lạnh hiện nay đều không phải là hoàn hảo, do đó cần quan tâm đến sự cân bằng trong việc sử dụng tác nhân lạnh. Bất kỳ tác nhân lạnh nào cũng có thể sử dụng được nếu chúng ta ứng dụng chúng một cách phù hợp.
Hình 1.a: Một số môi chất lạnh gây thủng tầng ozone |
Hình 1.b: Một số môi chất lạnh gây thủng tầng ozone |
II. Quá trình phát triển của môi chất lạnh
Môi chất lạnh là môi chất được sử dụng trong hệ thống lạnh, nó bay hơi bằng cách lấy nhiệt từ không gian cần làm lạnh, do đó nhiệt độ của không gian cần làm lạnh sẽ hạ xuống. Sự phát triển của môi chất lạnh trong suốt lịch sử diễn ra vì những lý do khác nhau, chẳng hạn như: khả năng an toàn, tính ổn định, độ bền, các vấn đề kinh tế hoặc môi trường. Do đó, làm nảy sinh các nghiên cứu và cải tiến thiết bị mới về mặt an toàn và hiệu quả. Nhìn chung, cho đến thời điểm hiện tại thì người ta đã phát triển được bốn thế hệ môi chất lạnh.
a. Thế hệ thứ nhất (1830 – 1930): Đây là thời kỳ sơ khai của môi chất lạnh. Ở giai đoạn này, người ta tìm cách hóa lỏng các chất có sẵn trong tự nhiên như: Ether, SO2, CO2, NH3, các HC, H2O,…miễn là các chất này có thể sử dụng được. Thời kỳ này đánh dấu bằng sự kiện Jacob Perkins (Hoa Kỳ) phát minh máy lạnh nén hơi đầu tiên trên thế giới (1834). Đây là loại máy lạnh có cấu tạo giống như máy lạnh hiện đại, gồm có: máy nén, dàn ngưng tụ, van tiết lưu và dàn bay hơi, với môi chất lạnh sử dụng là Ether. Đến cuối thế kỷ 19, nhờ có một loạt cải tiến của Linde (Đức) với việc sử dụng NH3 làm môi chất lạnh cho máy lạnh nén hơi, việc chế tạo và sử dụng máy lạnh nén hơi mới thực sự phát triển rộng rãi cho tất cả các nghành kinh tế quốc dân.
b. Thế hệ thứ hai (1930 – 1990): Thời kỳ thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật lạnh, bằng việc sản xuất và ứng dụng các chất freon tại Hoa Kỳ vào năm 1930. Freon là các chất hữu cơ hydrocarbon no hoặc chưa no như: CH4, C2H6,…. Được thay thế một phần hoặc toàn bộ các nguyên tử hydro (H) bằng các nguyên tử gốc halogen như clo (Cl), flo (F) hoặc brom (Br). Các chất này được sản xuất bởi công ty Dupont Kenetic Chemical Inc. (Hoa Kỳ). Đây là những môi chất lạnh có những tính chất quí như: không cháy, không nổ, không độc hại, đặc tính nhiệt động tốt, phù hợp với chu trình làm việc của máy lạnh nén hơi. Cộng them với việc cải thiện hiệu suất của máy nén đã góp phần tích cực cho sự phát triển của ngành lạnh và ĐHKK trên thế giới. Ở giai đoạn này, những môi chất lạnh tự nhiên của thế hệ thứ nhất như NH3, H2O, CO2,… vẫn tiếp tục được sử dụng trong các ứng dụng phù hợp.
c. Thế hệ thứ ba (1990 – 2010): Năm 1973, GS. Rawland và Molina (Hoa Kỳ) phát hiện ra các chất freon phá hủy tầng ozon. Thực tế, các freon này không những chỉ phá hủy tầng ozon mà còn làm nóng lên toàn cầu, tùy theo thành phần hóa học. Vì thế, nhân loại bước vào thách thức mới, là phải hạn chế sử dụng các freon này và bắt đầu công cuộc tìm kiếm các môi chất lạnh thay thế, sao cho vẫn phải đảm bảo cả yếu tố kinh tế, kỹ thuật và tuân thủ yêu cầu về bảo vệ môi trường và môi sinh. Trong giai đoạn này, các công ước quốc tế ra đời nhằm cấm và hạn chế dần việc sử dụng các môi chất lạnh thuộc nhóm CFC (R11, R12, R13,…), HCFC (R22) và HFC (R134a).
d. Thế hệ thứ tư (2010 – nay): Trong giai đoạn hiện nay, các môi chất lạnh không phá hủy tầng ozon, tiềm năng làm nóng lên toàn cầu thấp, thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn và hiệu suất làm việc cao là ưu tiên lựa chọn hang đầu trong các ứng dụng của công nghệ lạnh và ĐHKK.
Hình 2: Các thế hệ môi chất lạnh
III. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Với mục tiêu tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên thi hành Nghị định thư Montreal, Việt Nam cùng với Ngân hàng Thế giới xây dựng Dự án Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II (Dự án HPMP II) với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC theo lộ trình Nghị định thư Montreal quy định, theo đó mức tiêu thụ các chất HCFC trong cho giai đoạn 2020 – 2024 cần đảm bảo không vượt quá mức 2.600 tấn/năm.
Nhằm góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc gia. Ban giám hiệu trường cao đẳng Công Thương Miền Trung đã cử các giáo viên đang giảng dạy ngành kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí tham gia khóa đào tạo giảng viên nguồn về nguyên tắc thực hành tốt trong lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị lạnh và điều hòa không khí. Khóa học đã cung cấp cho giảng viên những kiến thức và kỹ năng thực hiện Kế hoạch của Dự án “Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam giai đoạn II”
Hình 3: Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học của các giảng viên
Hình 4: Trang thiết bị được cung cấp bởi dự án HPMP II |
Hình 5: HSSV thực hành trên các thiết bị được cung cấp bởi dự án HPMP II |
Để thực hiện tốt và hiệu quả kế hoạch của Dự án, nhà trường đã tiếp nhận các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác đào tạo do dự án cung cấp. Các bạn sinh viên ngành KTML&ĐHKK đã được hướng dẫn thực hành trên các trang thiết bị của dự án nhằm giảm thiểu tối đã việc phát thải các môi chất lạnh ra môi trường. Từ đó các bạn hình thành ý thức bảo vệ môi trường khi tham gia học tập và làm việc.
Ths. Lê Thành Nhân
Khoa: Điện và tự động hóa – Trường CĐCT Miền Trung